Biến nguy thành cơ: Giải mã tư duy về rủi ro tạo nên tăng trưởng thần tốc cho Amazon của Jeff Bezos
Biến nguy thành cơ: Giải mã tư duy về rủi ro tạo nên tăng trưởng thần tốc cho Amazon của Jeff Bezos
 “Đó thực sự là ngày đầu tiên của Internet và, nếu chúng ta thực hiện tốt kế hoạch kinh doanh của mình, thì đó vẫn là ngày đầu tiên của Amazon.com. Dựa vào những gì đang diễn ra, viễn cảnh đó có thể khó mà tưởng tượng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng cơ hội và rủi ro trước mắt thậm chí còn lớn hơn những gì ở sau chúng ta. Chúng ta sẽ phải đưa ra nhiều lựa chọn tỉnh táo và có tính toán, một số sẽ phải táo bạo và không theo quy ước thông thường.” - Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 1998)
14 Nguyên Tắc Tăng Trưởng Thần Tốc Như Amazon
(5 lượt)

Có lẽ bạn đã từng nghe câu nói: “Chơi là phải thắng”.

 Nhưng đối với Bezos, chơi là để học hỏi.

Đó là sự khác biệt giữa đánh bạc và chấp nhận rủi ro một cách có chủ ý.

Như tôi đã đề cập ở trên, chấp nhận rủi ro một cách ngẫu nhiên và nuôi hy vọng chiến thắng sẽ chẳng khác nào gieo xúc xắc hoặc quay bánh xe may mắn – bạn sẽ chẳng thể nào biết được chuyện gì sắp xảy đến hoặc khi nào bánh xe ngừng quay.

Nhưng đối với Bezos, anh ấy không chỉ chấp nhận rủi ro một cách có chủ ý, mà còn chấp nhận rủi ro một cách trái lẽ thường.

Sau đây là một số ví dụ:

Amazon Marketplace: Ý tưởng đưa một sản phẩm của đối thủ cạnh tranh lên nền tảng bán hàng duy nhất của Amazon có vẻ là sự táo bạo thái quá đối với nhiều người. Nhưng Bezos vẫn đưa các đối thủ cạnh tranh lên trang web Amazon của chính mình.

Amazon Prime: Chi phí vận chuyển vốn nổi tiếng đắt đỏ, và hầu như không ai muốn chi trả phí vận chuyển cho khách hàng (mà không đội giá) cả. Còn Bezos thì miễn phí vận chuyển với gói dịch vụ có giá thấp.

Kindle: Nhiều người nghĩ rằng sách điện tử sẽ không được công chúng đón nhận bởi họ đã quá quen với những cuốn sách giấy truyền thống. Bezos đã tạo ra Kindle có thể chứa hàng ngàn cuốn sách và không chỉ được đọc như một cuốn sách truyền thống mà còn tốt hơn một cuốn sách truyền thống với tính năng đánh dấu và đồng bộ hóa đa nền tảng.

Amazon Web Services (AWS): AWS được thiết kế để trở thành hệ thống vận hành nội bộ riêng biệt của Amazon. Bezos đã quyết định chia sẻ nền tảng độc quyền của mình cho những nhà phát triển khác. Tại thời điểm đó, không một ai ngoài Bezos cung cấp dịch vụ phần mềm, và cũng không một ai chờ đợi điều này từ Amazon (một điều đã giúp Amazon chiếm trọn vị trí dẫn đầu trong liên tiếp bảy năm). Bezos đã có một cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược với thị trường.

Bezos đã làm những việc ngược đời? Chắc chắn là thế. Vậy có phải mọi thứ đều “thành công” ngay từ khi bắt đầu? Tất nhiên là không.

Jeff Bezos trong văn phòng giai đoạn mới thành lập Amazon

Nhưng Bezos không chấp nhận rủi ro một cách liều lĩnh – rủi ro liều lĩnh chắc chắn là con đường dẫn tới sự khánh kiệt nhanh chóng. Anh ấy chấp nhận rủi ro một cách thận trọng và thấu đáo, và tất cả đều xoay quanh cách anh ấy nhìn nhận thành công.

Một số người có thể nghĩ rằng: “Chắc chắn rồi, Bezos có thể chấp nhận rủi ro – anh ấy là người giàu nhất thế giới kia mà”. Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro một cách có chủ ý là một tư duy…, và nó không tùy thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền.

Khi Bezos còn lái chiếc Honda Accord và khởi nghiệp bán sách trực tuyến trong khi hầu như không một ai sử dụng dịch vụ mạng, thì anh đã chấp nhận rủi ro một cách có chủ ý và thật sự đang đầu tư tiền của mình, tiền mượn từ bố mẹ, và tiền mượn từ bạn bè vào những rủi ro này. Đó là một vụ đầu tư thực thụ. Vâng, đó là một khoản đầu tư vào một doanh nghiệp, nhưng nó cũng là một khoản đầu tư vào một ý tưởng… ý tưởng thương mại trực tuyến. Và sau đó, giống như hầu hết các công ty mới thành lập, anh phải tiếp tục tái đầu tư vào ý tưởng của mình để phát triển và mở rộng quy mô.

Bezos không né tránh rủi ro bằng mọi giá; anh đầu tư vào rủi ro như là một chi phí kinh doanh. Anh thật sự nắm bắt rủi ro như là một cách để học hỏi và phát triển.

Khi công ty cất cánh, có một rủi ro rất lớn đối với Bezos khi anh đi ngược lại Phố Wall. Họ muốn đánh giá doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận hàng quý, nhưng anh đã sử dụng sự tăng trưởng tổng thể của công ty (theo quỹ đạo) như là một bức tranh chính xác hơn về cách Amazon hoạt động trong dài hạn.

Ngày nay, Bezos tập trung vào tầm nhìn dài hạn đến nỗi anh giao phó hầu hết các hoạt động hàng ngày của Amazon cho nhóm của mình và dành nhiều thời gian để suy ngẫm câu hỏi Amazon là gì, anh muốn nó trở thành thế nào và anh muốn điều gì xảy đến tiếp theo.

Nhưng đối với Bezos, “tiếp theo” là những sự việc sẽ xảy ra trong vòng hai, ba năm tới. Gần đây, Bezos có nói:

Bạn bè chúc mừng tôi sau khi một báo cáo thu nhập hằng quý được công bố và nói: ‘Làm tốt lắm, một quý tuyệt vời’ và tôi sẽ đáp: ‘Cảm ơn, nhưng quý đó đã được an bài cách đây ba năm rồi’. Bây giờ tôi đang làm việc cho quý tiếp theo diễn ra vào năm 2021.” 

- Cuộc phỏng vấn với Randall Lane năm 2018, tạp chí Forbes

Khi bạn định hướng hoạt động cho tương lai, điều đó có nghĩa là bạn đang chấp nhận những rủi ro một cách có chủ ý bởi bạn không thể lường trước được toàn bộ những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai.

Và bây giờ, khi Amazon đã cán mốc 100 tỷ đô-la, thì đây là lời Bezos đã nói:

Khi công ty phát triển, mọi thứ đều phải được mở rộng quy mô, kể cả quy mô của những thử nghiệm thất bại. Nếu quy mô của những thất bại không gia tăng, bạn sẽ không thể có được những phát minh ở một quy mô có thể thật sự dịch chuyển đỉnh tăng trưởng. Nếu Amazon thỉnh thoảng có những thất bại hàng tỷ đô-la thì chúng tôi cũng là đang thử nghiệm với quy mô phù hợp với tầm vóc hiện tại của công ty. 

Tất nhiên, chúng tôi sẽ không thực hiện những thử nghiệm như vậy một cách ung dung, ngạo mạn. Chúng tôi sẽ làm hết sức để chúng trở thành những vụ đặt cược chắc ăn, nhưng không phải vụ đặt cược chắc ăn nào cuối cùng cũng thắng. Kiểu chấp nhận rủi ro quy mô lớn này là một phần trong dịch vụ mà chúng tôi, với tư cách một công ty lớn, có thể cung cấp cho khách hàng của mình và cho toàn xã hội. Một tin tốt cho các vị chủ sở hữu cổ phần đó là một vụ thắng cược lớn có thể bù đắp chi phí cho rất nhiều vụ thua cược.

- Bezos (trích Thư gửi cổ đông năm 2018)

“Thỉnh thoảng có những thất bại hàng tỷ đô-la” là điều khó mà hiểu thấu, ngay cả với tôi.

Nhưng, một lần nữa, đó chính là lý do vì sao Bezos được mệnh danh là bậc thầy về rủi ro.

 Làm thế nào Bezos phát triển được tư duy về rủi ro và tăng trưởng?

Jeff Bezos không khởi nghiệp từ cương vị một tỷ phú. Anh ấy đã từ bỏ một công việc lương cao để theo đuổi ý tưởng kinh doanh trực tuyến mà nhiều người cho là điên rồ. Anh đã phải vay bố mẹ 300.000 đô-la để khởi động ý tưởng kinh doanh mới của mình. Bezos nói:

Câu hỏi đầu tiên của cha tôi là ‘Internet là cái gì?. Ông không đặt cược vào công ty này hay ý tưởng này. Mà ông đặt cược vào con trai mình.

- Bài phát biểu ở Đại học Lake Forest năm 1998

Bezos là người tiết kiệm, đầy đam mê và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để phát triển kinh doanh. Anh ấy thông minh, ngoan cường và là một người “cuồng tín” khi nhắc đến việc tập trung vào khách hàng.

Hai mươi năm sau, vào năm 2018, Jeff Bezos chính thức được Forbes công nhận là doanh nhân giàu nhất thế giới (tôi nghĩ điều đó chính thức biến anh ấy thành một tỷ phú).

Nhưng Jeff Bezos nói rằng anh ấy đã “trúng xổ số”, không phải trong việc trở thành người giàu nhất thế giới mà là việc có được một gia đình yêu thương luôn luôn hỗ trợ anh ấy. Jackie Gise, một học sinh trung học mười bảy tuổi, sinh ra Bezos vào năm 1964 tại New Mexico và sau đó được cha dượng Miguel “Mike” Bezos, một kỹ sư dầu khí, nhận nuôi.

Từ lúc bốn tuổi cho đến khi mười sáu tuổi, Bezos đều trải qua kỳ nghỉ hè cùng ông bà ngoại của mình tại một trang trại ở miền Nam Texas. Ông của Bezos, Lawrence Preston Gise, là nhân viên đời đầu của DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency, Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu nâng cao quốc phòng). Bộ Quốc phòng đã thành lập đội ngũ đặc biệt này trong Lầu Năm Góc sau khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik lên vũ trụ. Đội ngũ này được ra đời với các nhà khoa học và kỹ sư giỏi nhất, thông minh nhất.

Nhưng với Jeff Bezos, Preston Gise chỉ đơn thuần là “một người ông giản dị”.

Bezos đã dành rất nhiều thời gian với ông của mình, người mà Bezos từng mô tả là:

 “… luôn luôn tôn trọng tôi ngay cả khi tôi còn nhỏ. Và ông sẵn sàng trò chuyện hàng giờ với tôi về công nghệ và vũ trụ, cũng như bất cứ điều gì tôi quan tâm.

Hồi tôi bốn tuổi, ông từng tạo ảo tưởng cho tôi rằng tôi đang giúp đỡ ông quản lý nông trại. Dĩ nhiên điều đó không có thật. Nhưng tôi đã thật sự tin như vậy.”

Bezos kể rằng anh đi dạo quanh trên một chiếc xe bán tải hoặc trên lưng ngựa và khi lớn hơn, anh bắt đầu thật sự làm những công việc ở nông trại. Anh giúp ông mình sửa cối xay gió, dựng hàng rào, sửa máy móc hạng nặng, thậm chí thực hiện một số quy trình thú y như khâu vết thương cho một con bò bị sa dạ con (anh vẫn đùa rằng “thậm chí một số con vẫn còn có thể sống sót!”).

“‘Một sự thật thú vị về cách sống ấy và về ông của tôi đó là ông luôn tự làm mọi thứ. Bạn biết đấy, ông không bao giờ gọi cho bác sĩ thú y mỗi khi có con vật nào đó bị bệnh, ông tự mình tìm ra nguyên nhân và xử lý,’ Bezos nói.

Tài tháo vát và tinh thần lao động ‘có thể làm’ ấy được di truyền từ ông của anh trong thời gian anh làm việc tại nông trại rộng hơn 100 km2 gần Cotulla, Texas.”

- Bài phỏng vấn thực hiện bởi Wyatt Bechtel, đăng trên tờ Drovers, năm 2019.

Tôi chỉ có thể tưởng tượng về những cuộc trò chuyện giữa Bezos và ông của anh ấy. Tôi cho rằng có nhiều cuộc trò chuyện là về công việc (chưa được phân loại) đang được thực hiện tại DARPA. Tôi đoán là những cuộc trò chuyện này đã thổi thêm nhiệt huyết cho một Bezos vốn đã có một trí tưởng tượng thiết thực và niềm đam mê với những khả năng dài hạn mà các chuyến bay vào vũ trụ mang lại. Thời gian, sự chăm chỉ, phát minh và sửa chữa mọi thứ, cùng tình yêu thương cha mẹ và ông bà là một sự kết hợp tuyệt vời dành cho một cậu bé trên bước đường trở thành một chàng trai trẻ.

Bezos chỉ mới năm tuổi khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, và bảy tuổi khi sự “thất bại thành công” của Apollo 13 diễn ra. Có vẻ hợp lý khi cho rằng Bezos và ông của mình đã có những cuộc nói chuyện dài về tương lai của vũ trụ, cùng ý nghĩa của việc quay trở lại Mặt trăng và xa hơn nữa.

Khi còn học tiểu học, Bezos đã có những trải nghiệm trực tiếp với máy tính. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2001 với Academy of Achievement, Bezos đã chia sẻ: 

Có một công ty tại Houston đã cho ngôi trường nhỏ của chúng tôi mượn máy tính xóa dài hạn. Và không một ai – không một giáo viên nào – biết cách vận hành chiếc máy tính này, không ai biết cả. Nhưng nhờ có cuốn cẩm nang hướng dẫn cho nên tôi và một vài học sinh khác đã ở lại sau giờ học và nghiên cứu cách lập trình chiếc máy tính ấy.”

Một trong những điều đầu tiên họ phát hiện ra đó là chiếc máy tính có trò chơi khá xưa mang tên Star Trek, và kể từ lúc đó trở đi, họ đều sử dụng chiếc máy tính để chơi trò chơi ấy.

Tác động của loạt phim truyền hình Star Trek và chuỗi phim thương hiệu là không hề nhỏ. Chỉ cần hỏi Alexa: “Trà Earl Grey, nóng” (câu nói của Thuyền trưởng Jean-Luc Picard trong Star Trek: The Next Generation) thì cô ấy sẽ trả lời bạn bằng các biến thể của câu nói “những máy tái tạo trên chiếc phi thuyền này chưa được đưa vào hoạt động ”.

Gia đình Bezos chuyển đến Florida, nơi anh tốt nghiệp trung học ở Miami. Anh ấy đã thay mặt cho cả lớp phát biểu bế giảng. Và thật chẳng mấy ngạc nhiên, bài phát biểu đó là về vũ trụ. Bài phát biểu với ý tưởng (được truyền cảm hứng bởi nhà vật lý học Dr. Gerard O’Neill của Đại học Princeton) rằng nguồn tài nguyên trên Trái đất là có hạn, và vì thế anh ấy muốn đưa các ngành sản xuất cùng với con người lên vũ trụ để bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Bezos nói rằng cần coi Trái đất như là một công viên quốc gia, nơi mà mọi người chỉ ghé thăm vào những kỳ nghỉ. Đó là bài phát biểu từ đại diện học sinh vô cùng hấp dẫn đến nỗi nó đã chiếm trọn sự chú ý của một phóng viên từ Miami Herald, người đã đăng một bài báo về bài phát biểu.

Bezos theo học Đại học Princeton với mong muốn trở thành một nhà vật lý học. Bezos kể lại câu chuyện của mình trong một bài báo của Guardian rằng cơ học lượng tử đã chấm dứt sự nghiệp vật lý của anh. Cuối cùng, anh tốt nghiệp Princeton với tấm bằng kép chuyên ngành khoa học máy tính và kỹ thuật điện. Anh giải thích:

Một trong những điều tuyệt vời mà Princeton đã dạy tôi là tôi không đủ thông minh để trở thành một nhà vật lý.

Bezos chuyển đến thành phố New York, nơi anh gặp gỡ và kết hôn với vợ mình và làm một số công việc khác nhau trong ngành tài chính và ở Phố Wall. Trong thời gian này, anh tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ thành lập công ty riêng.

Sau đây là những gì anh mô tả về giai đoạn đó trong một bài phát biểu tại Đại học Lake Forest vào năm 1998, khi Amazon chỉ mới ba tuổi:

Công ty được thai nghén từ mùa xuân năm 1994. Tôi biết được một sự thật đáng kinh ngạc vào mùa xuân năm 1994; nhu cầu sử dụng web tăng trưởng ở mức 2.300 phần trăm một năm. Tôi luôn ghi nhớ trong đầu rằng con người không giỏi trong việc thấu hiểu mức tăng trưởng theo cấp số nhân. Nó không phải là thứ chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng không một thứ gì có thể tăng trưởng thần tốc như thế ngoài phòng thí nghiệm; đó là một điều không thể.

Và khi nhận ra điều này, tôi đã nói: ‘Được thôi, một bản kế hoạch kinh doanh như thế nào sẽ phù hợp với tốc độ tăng trưởng đó?’. Tôi đã lập một danh sách gồm hai mươi sản phẩm khác nhau có thể bán trực tuyến. Tôi tìm kiếm sản phẩm tốt nhất.

Và tôi đã chọn sách, vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng một trong những lý do chính đó là cho đến nay, sách là lĩnh vực có sản phẩm phong phú nhất so với bất kỳ danh mục sản phẩm nào khác. Trên thế giới có hơn ba triệu đầu sách được viết bằng đủ loại ngôn ngữ khác nhau. Sản phẩm mà tôi cho đánh giá xếp hạng hai sau sách đó là âm nhạc, với khoảng 300.000 đĩa CD nhạc đang lưu hành.

Và khi đã có danh mục sản phẩm khổng lồ này, bạn có thể xây dựng kiểu kinh doanh trực tuyến, một thứ mà bạn không thể xây dựng theo bất kỳ cách nào khác. Những cửa hàng sách lớn nhất, siêu thị lớn nhất (và những cửa hàng lớn nhất này lại thường được chuyển đổi từ những khu chơi bowling hoặc rạp chiếu phim) chỉ có thể chứa tối đa khoảng 175.000 đầu sách. Và số lượng những cửa hàng rộng lớn như vậy là vô cùng ít ỏi.

Trong danh mục trực tuyến của mình, chúng tôi có thể liệt kê hơn hai triệu rưỡi các loại sách khác nhau và cung cấp khả năng tiếp cận những đầu sách này tới mọi người. Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc có thể làm một cái gì đó trực tuyến mà bạn không thể thực hiện bằng bất kỳ cách nào khác là một điều rất quan trọng.

Nó liên quan đến nguyên lý cơ bản trong việc xây dựng bất kỳ hình thức kinh doanh nào, đó là đưa ra đề xuất có giá trị cho khách hàng.

Đối với kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là vào thời điểm ba năm trước, ngay cả đến ngày nay và thậm chí là trong vài năm tới, thì đề xuất giá trị mà bạn phải xây dựng cho khách hàng là vô cùng lớn. Bởi việc sử dụng web ngày nay vẫn vô cùng chật vật. Chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu lần bị tắc đường truyền và sập trình duyệt. Ngoài ra, còn có hàng loạt những vấn đề bất tiện khác, trang web quá chậm, tốc độ đường truyền cũng chậm.

Vì thế, nếu bạn có ý định muốn người tiêu dùng sử dụng một trang web nào đó trong thời đại ngày nay, thì bạn phải cung cấp cho họ những sự đền bù xứng đáng cho thứ công nghệ còn non nớt, nguyên sơ này. Và tôi cũng dám khẳng định rằng sự đền bù đó phải thật sự mạnh mẽ và đáng giá; về cơ bản thì nó cũng chính là thứ mà, như đã nói ở trên, hiện tại bạn chỉ có thể thực hiện trực tuyến, không thể thực hiện được bằng bất cứ cách nào khác. 

Và đấy chính là lý do tại sao số lượng khổng lồ danh mục sản phẩm của chúng tôi là một sự kết hợp tuyệt vời cho kinh doanh trực tuyến. Không có một phương thức nào khác để có một hiệu sách chứa được hai triệu rưỡi đầu sách. Không một cửa hàng sách truyền thống nào làm được điều đó. Bạn cũng không thể thể hiện nó trên một bản in danh mục sách. Nếu bạn in danh mục sách tại Amazon.com, thì nó sẽ có kích cỡ tương đương với hơn bốn mươi cuốn danh bạ điện thoại của thành phố New York.”

Bezos chuyển từ New York đến Seattle vì hai lý do chính. Một là, Seattle là trụ sở chính của Microsoft, vì thế nguồn nhân lực lập trình là rất dồi dào. Hai là, tại đây có hai trung tâm phân phối sách vô cùng lớn: Ingram, và Baker & Taylor.

Jeff Bezos trong những năm đầu xây dựng Amazon

Anh ấy thuê một ngôi nhà có ga-ra, có kết nối mạng; và vào tháng 7 năm 1994, Amazon.com đã ra đời, đặt những viên gạch đầu tiên để Bezos hoàn thành ước mơ trở thành doanh nhân của mình.

Những con ngựa phi nhanh hơn

Chắc hẳn các bạn đều biết đến câu nói nổi tiếng gắn liền với Henry Ford: “Nếu tôi hỏi mọi người rằng họ muốn gì, thì chắc chắn họ sẽ đáp những con ngựa phi nhanh hơn”.

Và tất cả chúng ta đều biết những gì đã xảy ra. Ford đã không làm cho những con ngựa của họ phi nhanh hơn; mà thực chất ông ấy đã mang đến một thứ tốt hơn – mã lực – trong những chiếc ô tô của hãng ông chế tạo. Đã từ lâu không còn ai cưỡi ngựa nữa.

Cũng tương tự như ngành công nghiệp ô tô thay thế cho những con ngựa, những thứ khác cũng diễn ra làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và làm kinh doanh. Những công nghệ, cũng như những sản phẩm mới mẻ và sáng tạo, không ngừng được phát minh ra – mà chúng ta khó có thể biết hết được (bạn có nhớ những “skunkwork” này không?).

Tư duy phổ biến lúc bấy giờ là “những con ngựa phi nhanh hơn”. Thế nhưng Ford lại nhen nhóm ý tưởng thiết kế và kiểm nghiệm một thứ gì đó mới mẻ (một chiếc xe hơi giá cả phải chăng), chế tạo nó (Model T), đẩy nhanh quá trình (dây chuyền lắp ráp), và mở rộng quy mô (sử dụng các đại lý địa phương). Kết quả là, có khoảng hơn mười lăm triệu Model T đã được bán ra vào năm 1927. Như vậy, Ford cũng có tư duy về rủi ro và tăng trưởng.

Điều này đưa chúng ta trở lại với yếu tố quan trọng nhất trong rủi ro, tăng trưởng và thành công – yếu tố con người.

Với tư duy sáng tạo và đổi mới, những con người bình thường ấy đã tạo ra tác động đến toàn thế giới, một trong số đó là: Henry Ford, Thomas Edison, Steve Jobs, và J.K. Rowling. Ngoài ra còn rất nhiều cái tên khác nữa mà tôi có thể kể ra đây.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là: Nếu biết vận dụng tư duy về rủi ro và tăng trưởng tương tự như Bezos và những người đã kể trên, thì tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể thay đổi thế giới (dù chúng ta ở đâu) và đạt được những điều tốt đẹp hơn.

Và trên đây là toàn bộ ý nghĩa của tư duy về rủi ro và tăng trưởng.

Bài viết được trích lược từ cuốn 14 Nguyên Tắc Tăng Trưởng Thần Tốc Như Amazon của tác giả Steve Anderson được First News chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại đây. Trạm Đọc dành tặng mã ưu đãi AMAZON10 khi đặt mua cuốn sách tại Tiki Trading.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

14 nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon – Giải mã những bức thư để phát triển doanh nghiệp của bạn giống như Amazon

14 Nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon - Công thức tăng trưởng thần tốc qua lăng kính của rủi ro

 
Tags: