ĐẠI GIA GATSBY - Cuốn tiểu thuyết bị hiểu lầm nhiều nhất thế giới
ĐẠI GIA GATSBY - Cuốn tiểu thuyết bị hiểu lầm nhiều nhất thế giới
Nói tới tác phẩm Đại gia Gatsby (The Great Gatsby), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những buổi tiệc tùng, cuộc sống hào nhoáng và phù phiếm. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số rất nhiều lầm tưởng về tác phẩm này ngay từ lần xuất bản đầu tiên.

 

Hiếm có nhân vật nào, trong văn chương cũng như ngoài đời, lại có sức bao trùm cả một thời đại bền bỉ như nhân vật Jay Gatsby của thời đại nhạc Jazz. Gần một thế kỷ sau khi anh được viết ra bởi nhà văn F Scott Fitzgerald, câu chuyện lãng mạn - bi kịch ấy đã trở thành lối diễn tả ngắn gọn về cuộc sống bao quanh bởi đám phụ nữ sành điệu và suy đồi, những vòi rượu sâm banh và những buổi tiệc tùng bất tận. Mang theo nét hoang dại từ ngữ cảnh mà anh được viết ra, tên của anh tô điểm cho mọi thứ trong văn hóa đại chúng, từ chung cư cho đến sáp vuốt tóc và nước hoa phiên bản giới hạn. Giờ đây, bạn có thể nằm dài trên một chiếc sofa Gatsby, đặt phòng tại khách sạn Gatsby, thậm chí ăn một chiếc bánh sandwich Gatsby - về cơ bản là một chiếc bánh kẹp khoai tây chiên “siêu to khổng lồ” đổ nhiều tương thôi. 

Mặc kệ những cái tên đó nghe có kỳ cục hay không, việc gọi bất kỳ thứ gì bằng tên của người đàn ông đó có vẻ mang nhiều ý nghĩa hơn bình thường. Sau cùng thì, ông chủ nhà hào phóng chỉ là một trong những danh tính phức tạp của anh. Anh cũng là một thằng buôn lậu, một tay chơi liều lĩnh trong những cuộc đầu tư phi pháp, chưa kể đến là một kẻ đeo bám ảo tưởng với những màn thể hiện có vẻ như đi thẳng vào lòng đất. Nếu như anh ta được xem là đại diện cho tiềm năng của Giấc mơ Mỹ, thì anh ta cũng cho thấy những giới hạn của nó: Chúng ta đừng quên đây là một con người người được định sẵn một kết cục vô nghĩa chìm trong bạo lực.

“Trong số tất cả các bài review, ngay cả những bài viết nhiệt tình nhất, cũng không có cái nào hiểu được cuốn sách đang nói về điều gì” - F Scott Fitzgerald.

Lầm tưởng, ngay từ đầu đã trở thành một phần trong câu chuyện của Đại gia Gatsby. Fitzgerald từng than thở với người bạn của mình là tác giả Edmund Wilson, không lâu sau khi xuất bản tác phẩm vào năm 1925, rằng: “Trong số tất cả các bài review, ngay cả những bài viết nhiệt tình nhất, cũng không có cái nào hiểu được cuốn sách đang nói về điều gì”. Những nhà văn khác như Edith Wharton thì rất ngưỡng mộ tác phẩm, trong khi nhà phê bình Maureen Corrigan thì cho rằng những nhà phê bình nổi tiếng thì đọc nó như một cuốn tiểu thuyết tội phạm và hoàn toàn bị cuốn hút bởi vì thế. Một cái tít còn được giật trên tờ New York World: Fitzgerald's Latest A Dud (tạm dịch: Cú té dập mặt mới đây của Fitzgerald). Doanh số thời đầu của cuốn tiểu thuyết cũng chỉ tàm tạm, và vào thời điểm tác giả qua đời vào năm 1940, đợt sách tái bản ít ỏi cũng bị bản hạ giá.

Vận may của Gatsby bắt đầu thay đổi khi nó được quân đội Mỹ lấy làm quà thưởng. Khi Chiến tranh Thế giới II sắp đến hồi kết, gần 155.000 bản đã được phân phối dưới dạng ấn bản đặc biệt phục vụ cho vũ trang và tạo ra một lượng độc giả mới chỉ sau một đêm. Khi buổi bình của những năm 50 ló dạng, ánh hào quang rực rỡ của Giấc mơ Mỹ cũng làm tăng tính thời sự của cuốn tiểu thuyết. Và vào những năm 60, nó được chọn làm tài liệu giảng dạy trong trường học. Kể từ đó, nó trở thành một thế lực mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng, đến nỗi ngay cả với những người chưa từng đọc qua sách, họ cũng biết đến nhờ ảnh hưởng của Hollywood. Đó là vào năm 1977, chỉ vài năm ngắn ngủi sau khi bộ phim chuyển thể được phát hành, cụm từ Gatsby-esque lần đầu được ghi nhận.

Ấn bản Gastby vĩ đại do Nhã Nam phát hành

Cùng với bộ phim hoành tráng nhưng nhiều tranh cãi vào năm 2013, chỉ trong vòng một thập kỷ, từ một cuốn tiểu thuyết đã cho ra đời nhiều cuốn truyện tranh, một vở nhạc kịch và bản điện ảnh. Kể từ bây giờ, chúng ta sẽ còn thấy nhiều hơn nữa những bản chuyển thể và sự tôn vinh, bởi vì kể từ năm 2021, bản quyền của cuốn tiểu thuyết đã hết hạn và bất kỳ ai cũng có thể chuyển thể nó mà không cần sự cho phép của đơn vị sở hữu. 

Tất cả những điều này có thể sẽ khiến nhiều fan cứng của Fitzgerald đứng ngồi không yên, và trong khi một số dự án tiếp tục làm sống dậy huyền thoại về những bữa tiệc phong cách Gatsby vượt ra khỏi giới hạn tiệc tùng vô bổ, thì những dự án khác đang cố mang lại cảm giác mới mẻ từ một tác phẩm nổi tiếng là khó hiểu. Lấy ví dụ về nhân vật Nick trong cuốn tiểu thuyết mới của Michael Farris Smith. Nick Carraway là người dẫn truyện trong tác phẩm Đại gia Gatsby, tuy nhiên anh cũng có câu chuyện cho riêng mình. Đó là câu chuyên của một người miền Trung đã đến châu Âu để chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất và trở về quê hương với một phiên bản khác, nhờ một mối tình đầy sóng gió ở Paris cũng như bởi chiến tranh. Có rất nhiều không gian trong câu chuyện của nhân vật này để có thể viết thêm.

Một giấc mơ viễn vông?

Như nhiều người khác, Smith lần đầu tiên biết đến tác phẩm khi học trung học. “Tôi hoàn toàn không hiểu được nó”, anh nói với BBC Culture, “họ giống như một đám người đang phàn nàn về những thứ mà lẽ ra họ không nên phàn nàn”. Chỉ đến khi đọc lại nó khi đã gần 30, anh mới bắt đầu hiểu được sức mạnh của cuốn tiểu thuyết. “Đó là một trải nghiệm đọc rất siêu thực đối với tôi. Dường như có điều gì đó trên các trang giấy đang nói với tôi theo cách mà tôi chưa bao giờ ngờ tới”, anh nhớ lại.

Đến phân đoạn mà Carraway chợt nhớ đó là sinh nhật 13 tuổi của mình, trong đầu Smith đã tràn ngập câu hỏi về người kể chuyện trong câu chuyện của Gatsby thực sự là người như thế nào. “Đối với tôi, dường như có chuyện gì đó khiến anh ta trở nên cách biệt, ngay cả với chính bản thân anh ta. Tôi chợt nghĩ nếu có ai đó viết về câu chuyện của Nick thì hay biết mấy”. Vào năm 2014, ở độ tuổi 40, anh đã tự bắt tay làm điều đó, không hề trao đổi trước với người đại diện hay biên tập viên. Cho đến khi nộp bản thảo sau 10 tháng làm việc, anh mới biết về luật bản quyền, nghĩa là anh sẽ phải đợi đến năm 2021 mới có thể xuất bản câu chuyện này.

Có lẽ đó không chỉ là rượu sâm panh và khiêu vũ, mà là cảm giác mông lung tự hỏi chúng ta đang ở đâu, cảm giác rằng bất cứ thứ gì cũng có thể vỡ vụn trong chớp mắt, đã khiến cho Gatsby trở nên ý nghĩa - Michael Farris Smith

Smith nói rằng câu nói của một trong những người cùng thời với Fitzgerald đã cho anh chiếc chìa khóa để giải mã nhân vật Carraway. “Ernest Hemingway kể lại trong cuốn hồi ký Hội hè miên man rằng chúng tôi không tin tưởng bất kỳ người nào mà chưa từng tham gia chiến tranh, thế nên giữa tôi và Nick có một sự khởi đầu rất tự nhiên”. Smith tưởng tượng Carraway phải đương đầu với chứng Rối loạn Căng thẳng Hậu sang chấn (PTSD) và ám ảnh của chiến tranh, sau đó trở về nhà nhìn thấy một đất nước mà anh còn không nhận ra. Nó trở nên xa lạ bởi sự náo nhiệt của những bữa tiệc tùng. Theo Smith, Carraway là lý do người ta vẫn đọc cuốn tiểu thuyết của Fitzgerald. “Có lẽ đó không chỉ là rượu sâm panh và khiêu vũ, mà là cảm giác mông lung tự hỏi chúng ta đang ở đâu, cảm giác rằng bất cứ thứ gì cũng có thể vỡ vụn trong chớp mắt, đã khiến cho Gatsby trở nên ý nghĩa trong nhiều thế hệ tiếp theo”.

Leonardo DiCaprio và Carey Mulligan trong vai chính bộ phim Đại Gia Gatsby 2013

William Cain, một chuyên gia về văn học Mỹ và Giáo sư tiếng Anh Mary Jewett Gaiser tại Đại học Wellesley, đồng ý rằng Nick là một nhân vật mấu chốt để hiểu được sự phong phú của cuốn tiểu thuyết. “Fitzgerald đã suy nghĩ để cấu trúc nó ở ngôi thứ 3 nhưng cuối cùng ông lại chọn Nick Carraway, người người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, người sẽ kể câu chuyện của Gatsby và người sẽ là trung gian giữa chúng ta và Gatsby. Chúng ta có thể là người thấu hiểu và đáp lại Gatsby, và khi chúng ta làm như vậy, hãy lưu ý rằng chúng ta đang tiếp cận Gatsby qua góc nhìn rất cụ thể của Nick và nhờ mối quan hệ phức tạp giữa Nick và Gatsby - một điều thường được khen ngợi lẫn chỉ trích gay gắt, thậm chí là khinh thường”.

Cũng giống như Smith, Cain lần đầu đọc cuốn tiểu thuyết khi còn là học sinh. Đó là một thời kỳ khác - vào những năm 60 - nhưng dù vậy, Nick ít khi được để ý tới. Thay vào đó, Cain nhớ lại họ thường thảo luận về chủ nghĩa tượng trưng, ví dụ như chiếc đèn xanh và chiếc ô tô huyền thoại của Gatsby. Nó cho thấy rằng ở góc độ nào đó, hệ thống giáo dục cũng có phần trách nhiệm như văn hóa đại chúng trong việc khiến chúng ta hiểu sai về tác phẩm này. Nó có thể là một cuốn tiểu thuyết đậm chất Mỹ, nhưng với độ dài chưa đến 200 trang, cách kể chuyện cực kỳ tiết kiệm của nó lẽ ra đã giúp cho việc nhìn thấy những khía cạnh khác dễ dàng hơn. Trớ trêu thay, chúng ta thường chỉ thấy một cuốn tiểu thuyết của sự ảo tưởng và lừa dối, trong khi bỏ qua sự tinh tế trong nghệ thuật sắp đặt của văn xuôi. Như Cain đã nói: “Tôi nghĩ khi chúng ta nói về Đại gia Gatsby, chúng ta không nên chỉ xem nó là một xuất phát điểm để bàn tán về chủ đề nước Mỹ và các vấn đề của nó, mà chúng ta cần đi sâu hơn vào sự phong phú trong từng trang viết của Fitzgerald. Chúng ta đến với Gatsby vì nhận thức được ý nghĩa xã hội và văn hóa của nó, nhưng chúng ta cũng cần đưa nó về nguyên bản là một trải nghiệm văn học”.

Cứ 2 - 3 năm Cain lại đọc cuốn tiểu thuyết một lần, trong khoảng 2-3 năm đó, ông cũng thường xuyên thấy mình suy nghĩ về nó. Ví dụ như vào mùa hè năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Biden chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ tại DNC và diễn thuyết về quyền theo đuổi giấc mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Tất nhiên, Giấc mơ Mỹ là một trong những chủ đề chính của Gatsby, và cũng là một trong những thứ bị hiểu lầm. “Fitzgerald cho thấy rằng ước mơ đó rất mạnh mẽ, nhưng trên thực tế nó cũng là xa vời đối với hầu hết người Mỹ. Nó cho họ nguồn hy vọng lớn lao, những khao khát cháy bỏng và phi thường, nguồn động lực mà rất nhiều người đã cố gắng để đạt được. Nhưng giấc mơ đó cũng nằm ngoài tầm với của rất nhiều người, và họ đã phải từ bỏ rất nhiều để cố gắng đạt được cái thành công rực rỡ đó”. Một trong trở ngại đó, theo như Fitzgerald gợi ý, là sự phân tầng địa vị mà cho dù Gatsby có bao nhiêu tiền đi nữa thì cũng không thể nào vượt qua được. Đó là một quan điểm mà Cain nghĩ có thể lý giải được phản ứng của một số học sinh trong lớp học - một “vẻ u sầu” nhất định về Giấc mơ Mỹ, cảm giác bị kích động bởi sự bất bình đẳng chủng tộc và kinh tế mà chúng ta đang ngày càng thấy rõ hơn trong đại dịch này.

Ở một số khía cạnh khác, cuốn tiểu thuyết cũng có nhiều nhược điểm chứ không chỉ toàn khen ngợi. Trong khi Fitzgerald thể hiện lập trường trung thành của mình bằng cách làm nổi bật sự xấu xa, thô bạo trong quan niệm độc tôn người da trắng của Tom Buchanan, ông lại liên tục mô tả những người Mỹ gốc Phi là “đồng đô la”. Cuốn tiểu thuyết cũng khiến người đọc khó chịu từ góc độ nữ quyền: hình tượng của các nhân vật nữ được miêu tả một cách sơ xài và không có chiều hướng, thay vào đó họ được nhìn qua lăng kính ham muốn của nam giới. Điều này đã tạo cảm hứng cho những sáng tạo sau này nhằm bù đắp những mặt khó chịu và lỗi thời của cuốn tiểu thuyết. Một bộ phim ngắn tập được công bố vào tháng 1 năm nay sẽ trở thành tác phẩm đầu tiên như thế. Được chấp bút bởi Michael Hirst và với sự cố vấn của cháu gái Fitzgerald - Black Hazard, nó được mô tả như một “sự tái hiện” của cuốn tiểu thuyết kinh điển. Hazard nói với The Hollywood Reporter: “Từ lâu tôi đã mơ về một phiên bản Gatsby đa dạng hơn, hàm súc hơn và phản ánh tốt hơn về nước Mỹ mà chúng ta đang sống, một phiên bản mà ai cũng có thể nhìn thấy chính mình trong lời kể lãng mạn, hoang dã của Scott”.

Tóm lại thì, như Smith nói khi đọc lại tác phẩm lần gần đây nhất: “Tôi nghĩ đây là một dạng tiểu thuyết mà nó không ngừng phát triển trong tâm trí tôi, và luôn thay đổi dựa theo trải nghiệm sống của tôi. Những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời vẫn luôn như thế”.

Tags: