Đọc gì khi gió mùa về sớm: 9 cuốn sách dành cho những tiếng lòng đang thổn thức
Đọc gì khi gió mùa về sớm: 9 cuốn sách dành cho những tiếng lòng đang thổn thức
Tiết trời giao mùa dễ chịu nhưng cứ mong manh, khắc khoải, khiến người ta háo hức mùa mới nhưng vẫn nuối tiếc những ngày sắp qua. Gió mùa gợi nhiều cảm xúc trong lòng người, dễ vui, dễ buồn, dễ thương, dễ nhớ. Những cuốn sách sau đây sẽ cùng khơi dậy những thổn thức của mỗi người theo từng cách rất riêng.

 

 

Lắng Nghe Gió Hát - Haruki Murakami

 

Lắng nghe gió hát kể về câu chuyện kéo dài trong khoảng thời gian chưa đầy 3 tuần lễ, xoay quanh những ngày hè tại thị trấn quê nhà của một cậu sinh viên tự xưng “tôi”, sau khi trở về từ trường đại học ở Tokyo. Mùa hè ấy những tưởng sẽ trôi qua trong bình lặng, với những đêm tâm sự say khướt giữa “tôi” và người bạn thân Chuột tại quán bar quen thuộc, cho đến khi một cô gái tình cờ xuất hiện trong đời cậu. Gặp nhau trong hoàn cảnh dở khóc dở cười ở nhà vệ sinh quán bar, họ bắt đầu một mối quan hệ không tên, cùng nhau chia sẻ nỗi cô đơn, sự hoang mang của tuổi trẻ.

Ở Lắng nghe gió hát, các bạn không nên mong chờ những cao trào kịch tính, sự chuyển biến tâm lý phức tạp của các nhân vật hay lối văn siêu thực huyền ảo. Những mẩu đối thoại và các mạch truyện cũng đan xen nhau nối tiếp mà chẳng có dẫn dắt. Sự lãng đãng đó có thể khiến cho nhiều bạn cảm thấy hơi hụt hẫng, nhưng không là ngăn trở để họ phải gấp sách. Người ta vẫn đọc, để thưởng thức thứ văn chương dễ chịu đến kỳ lạ của Murakami, để hóa thân một chút vào góc nhìn của ông, suy ngẫm một chút về cuộc đời, hoặc có thể, chẳng cần làm gì cả.


 

Những ngã tư và những cột đèn - Trần Dần

 

Tôi qua ngã tư Cửa Nam. Ngã tư Cửa Nam đầy khói. Để không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được. Nhưng tại sao tôi cứ ám ảnh: cái ngã tư tại sao ấy. Tôi quên không được. Đi đi không được. Tôi ngồi bệt lề đường. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc. Tôi là đàn ông: Tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ lắm. Tôi ngồi bệt mà nhìn láo nháo cột đèn. Láo nháo khói. Láo nháo hàng cây bên đường lá rụng. Tôi nghe gà gáy te te nội thành.

 

 

Những ngã tư và những cột đèn có thể là một tiểu thuyết về chiến tranh, như lời thông báo của anh nhà văn không tên, ở trang đầu cuốn sách? Những tình bạn, những tình yêu, đã đi qua chiến tranh, đi qua hòa bình, rồi lại rơi vào chiến tranh, có còn nguyên vẹn? Và những tính cách, thói quen con người, có thể nào không thay đổi cùng hoàn cảnh? Không một cảnh chiến tranh, nhưng hai chữ chiến tranh đi vào tiểu thuyết ngay từ trang một và trôi theo nhật ký, như một ám ảnh, cho đến trang cuối cùng. Chiến tranh do vậy, tồn tại như một bè đệm. Để “con người TOÀN PHẦN và CỤ THỂ vẫn tiếp tục trong chiến tranh. Và mạnh hơn chiến tranh”, Trần Dần kể như vậy, về Những ngã tư và những cột đèn, trong nhật ký 1989.

Trong một trang nhật ký 1989 Trần Dần viết: “Người ta nói nhiều, đến bố cục, chủ đề, í đồ không rõ… Xong người ta bàng hoàng và bảo: in cái này hơn Người người lớp lớp. Vâng, đúng là xa lạ. Tôi tuyên ngôn: tào lao - xông xênh - bàng hoàng. Vô hình, nhưng rõ rệt. Hiện hữu vô hình ấy, là một thực thể. Bàng hoàng ở đó. Bàng hoàng ở những ngã tư. Ai chẳng luôn gặp, những ngã tư. Để rẽ đường nào?” Rồi ở một trang khác, ông lại quay về Những ngã tư và những cột đèn: “Đời lắm ngã tư? Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận, kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chi li, chi hoe, mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”. 45 năm, kể từ ngày nhà văn bắt đầu chép lại cũng bằng mực tím “250 trang nhật kí, lem nhem mực tím” của anh ngụy binh Dưỡng, cho đến hôm nay, những ngã tư của tiểu thuyết vẫn đóng kín. Đấy là “những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn” của thế kỷ đã qua.


 

Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng

 

Có người cho rằng Mùa lá rụng trong vườn là sự tiếp tục, bổ sung của cuốn tiểu thuyết Mưa mùa hạ. Kể cũng phải. So với Mùa lá rụng trong vườn, Mưa mùa hạ bao quát một không gian rộng lớn hơn. Trong cuốn tiểu thuyết đó, MA Văn Kháng hình dung những tiêu cực đang hoành hành ngoài cuộc đời cũng giống như những ổ mối đang ngày đêm đục khoét có nguy cơ làm sụp đổ những thân đê. Lần này trong Mùa lá rụng trong vườn, điểm nhìn của nhà tiểu thuyết tập trung chủ yếu và gia đình, miêu tả sự biến động của nó dưới sự tác động đa dạng, phức tạp của hoàn cảnh xã hội trong thời kỳ quá độ từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa hội vô cùng khó khăn, gian khổ và quyết liệt hiện nay.

Viết Mùa lá rụng trong vườn, Ma Văn Kháng trăn trở một câu hỏi: “”Gia đình, giọt nước trong biển cả, cá thể của xã hội liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này?”” Cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới - quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội. Xây dựng cuộc sống mới, con người mới trong thời kỳ quá độ thực chất vẫn là một cuộc đấu tranh giai cấp không kém phần gay go, quyết liệt, nhiều khi phức tạp, dữ dội đến không ngờ.

Cuốn sách ra đời năm 1985, vào thời điểm lịch sử và văn học đang chuyển mình trên con đường đổi mới. Lúc này, văn học chuyển từ khuynh hướng sử thi sang khuynh hướng thế sự đời tư, những biến cố, sự kiện không còn là trung tâm chú ý mà chỉ là đường viền cho số phận nhân vật. Những câu chuyện hàng ngày, những cảnh ngộ bình thường, những quan hệ nhân sinh phức tạp, rắc rối, những khát khao tự nhiên và bản năng nhất của con người… đều được soi chiếu trên trang viết. Từ đó, nhà văn tìm đến, chắt chiu từng vẻ đẹp tâm hồn con người, hướng con người tới cái đẹp, cái thiện. Nếu như văn xuôi trước 1975 ít đề cập đến đề tài gia đình, tình yêu hạnh phúc, số phận cá nhân thì sau 1975, với cảm hứng thế sự đời tư, các phạm trù này đã trở thành những gam màu chính trong văn học. Mùa lá rụng trong vườn là một trong những “mũi khoan thăm dò đầu tiên vào vỉa ngầm hiện thực phức tạp và tinh vi này”. Năm 2000, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim Mùa lá rụng, để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người xem.


 

Chuyện nhỏ sớm mùa thu - Lưu Quang Vũ

 

"Chuyện Nhỏ Sớm Mùa Thu" là cuốn sách tuyển tập 18 tác phẩm truyện ngắn của nhà văn - nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu bình phẩm "...Lưu Quang Vũ dùng một cách viết dung dị, một lối kể chuyện điềm đạm. Như một họa sỹ không bao giờ đụng đến những gam màu gắt hoặc những đường nét, bố cục độc đáo, quá bạo. Tôi thích cái sự tự nhiên và chừng mực trong cách viết của anh, một sự tự nhiên chừng mực toát lên cả trong nội dung và hình thức rất dễ đến với người đọc. Tôi nghĩ rằng anh Lưu Quang Vũ hiện giờ chỉ “cặp bồ” sơ sơ với văn xuôi mà thôi (thế mà anh đã có mấy tập truyện ngắn đã in). Nếu một lúc nào đó, ví như Anh Thình, anh bỏ kịch và thơ, đi hẳn vào văn xuôi, chắc là anh vẫn giữ cái ngòi bút chừng mực dung dị, và những truyện ngắn của anh chắc chắn sẽ có sức nặng hơn nhiều và giới văn xuôi lại như giới kịch bây giờ, cứ ngớ ra mà nhìn anh tung hoành..."

 

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thu "Có thể thấy ở trong thơ cũng như ở truyện ngắn, Lưu Quang Vũ đã bộc lộ sự nhạy cảm bản năng gần như một thứ trực giác, một tố chất có tính bẩm sinh của phẩm chất nghệ sĩ đã giúp anh viết thành công ở cả hai khuynh hướng hiện thực và lãng mạn. Sự kết hợp hài hoà này tạo nên một thứ văn xuôi thực mà ảo, rõ ràng mà mơ hồ, không chịu yên phận ở một khuôn khổ đã định sẵn."

 

Con Sẻ Vàng - Dona Tartt

 

Với những người yêu văn chương thực sự, câu hỏi: “Bạn đã đọc cuốn “Con Sẻ Vàng” chưa?” cũng giống như hỏi “Bạn có đang xem Game of Thrones” với những người say mê truyền hình thực tế. The Goldfinch - “Con sẻ vàng” là tiểu thuyết thứ ba của Donna Tartt, cuốn sách của nữ văn sĩ này tiêu tốn tới 11 năm chấp bút và giành được giải Pulitzer hạng mục tiểu thuyết.

 


Cuốn sách llà một trường thiên tiểu thuyết kể về cuộc đời của Theodore “Theo” Decker, một cậu bé phải chịu nỗi đau mất mẹ năm 14 tuổi trong một cuộc đánh bom khủng bố tại Bảo tàng Nghệ Thuật thành phố New York. Trung lúc mê man mất phương hướng, cậu đã lấy trộm tuyệt tác con sẻ vàng; bức tranh này cùng với cái chết của mẹ cậu, đã trở thành chất xúc tác cho một ma trận của những cuộc phiêu lưu, những nỗi buồn, những điều huyền bí và sự ăn năn. Cùng sự trưởng thành của Theo, sự thiếu vắng của hình bóng người mẹ và sự xuất hiện của bức họa - Theo đã bị buộc phải đưa ra những lựa chọn mà suýt nữa cậu phải trả giá bằng cả tính mạng. Suốt chiều dài của cuốn tiểu thuyết hơn chín trăm trang, hành trình của Theo đã khám phá ý nghĩa thực sự của Nghệ thuật, cũng như tình yêu, tình bạn và nỗi đau mất mát.

Thứ nghệ thuật trong tác phẩm của Donna Tart đến cuối cùng vẫn là một câu hỏi mù mờ, nhưng Nghệ thuật có thể là những trải nghiệm rời rạc vụn vỡ của chính chúng ta có thể được thu nhặt lại và đúc thành thứ gì đó thực sự có ý nghĩa, để chúng ta có thể hiểu thêm được về những trải nghiệm vụn vỡ của người khác. Đấy là nơi hiện thực va vào lí tưởng, nơi trò đùa trở thành nghiêm túc, con mọi điều nghiêm túc lại là một trò đùa. Là điểm ma thuật mà mỗi ý tưởng và ý tưởng đối nghịch với nó đều đồng thời là thực.

 

Người khổng lồ ngủ quên - Kazuo Ishiguro

 

Sự sống là thế nào? Cái chết là gì? Điều gì sẽ cứu chuộc những tâm hồn lạc lối? Có nên đánh thức những ký ức ngủ quên? Đã bao giờ bạn thắc mắc những điều ấy chưa? “Người khổng lồ ngủ quên” chính là sách bất cứ ai cũng nên đọc vì câu chuyện của nó lại là câu chuyện của tất thảy chúng ta, câu chuyện của những Con Người.

 

Ở nước Anh thời xa xưa, tại một ngôi làng người Briton nọ, một đôi vợ chồng già ngày qua ngày sống một cuộc đời mơ hồ, lãng đãng giữa làn sương mù không lúc nào khuất dạng. Ngày tháng nối đuôi nhau trôi đi dường như chẳng có gì đổi khác, nhưng cũng cơ hồ có rất nhiều biến động mà người ta không tài nào nhớ ra. Cho đến khi hai vợ chồng họ quyết định lên đường đi tìm người con trai nhiều năm nay không gặp. Chẳng ngờ, chờ đợi họ phía trước là một chuyến phiêu lưu kỳ lạ, cùng những con người kỳ lạ, đưa họ tới miền ký ức đã từ lâu bị chôn vùi.

Người khổng lồ ngủ quên là một suy ngẫm u sầu nhưng thấm thía về sự lãng quên, tình yêu, cuộc sống, cùng cả chiến tranh và sự hận thù. Cuốn sách đánh dấu sự trở lại của Kazuo Ishiguro sau 10 năm vắng bóng, với một hướng đi hoàn toàn mới khi ông chọn thể loại giả tưởng huyền ảo để thuật lại những chiêm nghiệm hết sức thực tế về cuộc đời.

“Một cuốn sách đẹp đẽ, não lòng về phận sự cần nhớ và cái mong muốn được quên đi.” - The Guardian.

 

Cửa tiệm của những lá thư – Yasushi Kitagawa

 

Tiếp nối thành công từ hai cuốn tiểu thuyết trước là “Cuộc hẹn bình min”” và “Nếu ngày mai không bao giờ đến”, ngòi bút của nhà văn Yasushi Kitagawa đã để lại một dấu ấn rất lớn trong lòng bạn đọc khi viết về những điều gần gũi, chân thực nhưng không kém phần sâu sắc của xã hội Nhật Bản đầy bất ổn với những khuôn phép gò bó. Với lần trở lại này, tác giả Yasushi đồng thời cũng là một thầy giáo được yêu mến tiếp tục chinh phục độc giả qua cuốn sách thứ ba “Cửa tiệm của những lá thư” – tác phẩm đạt doanh thu vượt 1 triệu bản in gây sốt tại xứ sở mặt trời mọc.

 

Bước đi đầu tiên, ai cũng cần có dũng khí. Nhưng nếu, bạn có hứng thú muốn làm những điều tuyệt vời trong đời mình, mời hãy thử sử dụng dịch vụ của Thư quán một lần xem.

Cuốn sách này không chỉ dừng lại ở những câu chuyện đời thường, ẩn chứa bên trong là một nội lực to lớn thúc đẩy con người sống hết mình hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân và nhất là phải đặt niềm tin tuyệt đối vào những điều mình đang theo đuổi. Rồi một ngày bạn sẽ trở thành một người tốt đẹp như trong chính những giấc mơ của mình và giúp những người khác có một cuộc đời tốt đẹp hơn.

 

Mình nói gì khi nói về chuyện tình yêu - Raymond Carver

 

Truyện ngắn tối giản, truyện ngắn dàn dựng hay thậm chí là truyện "bẩn" là những từ mà người dành để mô tả đặc trưng phong cách của Raymond Carver, một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng của Mỹ. Tạp chí Granta đã nói rằng những truyện ngắn hiện thực đã bị làm ô nhiễm bởi kĩ thuật viết "vô thực" và độc đáo của ông.

 

Không biện pháp tu từ, không màu mè hoa lá cành, truyện ngắn của Raymond Carver tối giản đến siêu thực, và ông đã vô tình sáng lập ra một trường phái viết mà John Barth gọi là Hậu Nghiện Rượu Cổ Cồn Xanh Siêu Thực Tối Giản. Carver mô tả một nước Mỹ nơi mà những con người bình thường được gắn kết với nhau bằng thứ gì đó thiếu hẳn đi tình yêu. Có cảm giác rằng không khí trong truyện bần cùng và bế tắc, chỉ một hành động, cử chỉ của nhân vật cũng làm cho kết nối của họ vỡ vụn.

Thường thì các nhân vật trong truyện của ông là những người thuộc tầng lớp lao động bình thường ở một góc độ nào đó không được may mắn cho lắm. Và có rất nhiều câu chuyện mà rượu tạo nên hình ảnh cuộc sống của họ, đầu tiên là chất kích thích niềm vui, sau đó xa hơn dần trở thành trừng phạt. Gần như không có ngoại lệ, tất cả thất bại của họ, cũng giống như hi vọng, đều nhỏ bé tới mức đáng thương. Nhưng với lối viết trực tiếp và mô tả trần trụi, Carver đã biến mọi thứ xuống mức tối giản để không ai có thể buộc tội ông là tạo ra các ảo tưởng hão huyền.

 

Mong mọi sự gặp gỡ đều đúng thời điểm - DTT

 

Đã gặp gỡ chính là duyên phận, không có đúng và sai, tốt và xấu. ... đến và đi, hết thảy đều tuần tự theo nhân duyên và vận mệnh đã an bài.

Trên đường đời dài rộng, bạn nhất định sẽ gặp hai người: Một người vì bạn mà lăn xả giành lấy vinh quang; người còn lại sẽ vì bạn mà tình nguyện sống cuộc đời bình dị. Người đầu tiên đến vào lúc thanh xuân nở rộ, cùng bạn trải qua những sốc nổi, ngông cuồng của tuổi trẻ; người còn lại sẽ đến khi thăng trầm đủ sâu, lặng lẽ cùng bạn tận hưởng đủ những chát đắng ngọt ngào của vị trà cuối.Người quyết tiến lên, người chọn lùi về, bạn buộc phải bỏ lỡ một người mới có thể gặp được người tiếp theo. Suy cho cùng, đó chính là sự sắp đặt của duyên phận.

Gặp người có duyên với mình trong thời điểm thích hợp, ấy là hạnh phúc.
Gặp người có duyên với mình nhưng lại sai thời điểm, chỉ còn đó tiếng thở dài buồn bã.

Duyên phận chân chính, không phải sắp xếp của ông trời, mà là sự chủ động của chính bản thân bạn.

Trạm Đọc tổng hợp.

Tags: