Phi lý trí: Những hành vi khiến chúng ta trông như “quên não ở nhà”
Phi lý trí: Những hành vi khiến chúng ta trông như “quên não ở nhà”
Lý trí là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa con người với các sinh vật khác trên thế giới. Thế nhưng, liệu có phải mọi hành động của con người đều được thực hiện dựa trên lý trí của mình? Khi sự thật được hé mở, có lẽ bất kì ai cũng sẽ phải kinh ngạc về chính bản thân mình.
Được xuất bản từ tháng 6 năm 2009, Phi lý trí chưa bao giờ nằm ngoài top những cuốn sách cần đọc một lần trong đời cho đến nay.

 

Cuốn sách được viết bởi Dan Ariely - giáo sư bộ môn kinh tế học hành vi tại MIT. Ông cũng là nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Boston và giáo sư thỉnh giảng của đại học Duke. Các công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu và phương tiện truyền thông uy tín như: New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Boston Globe,...

Với hàng chục những thí nghiệm và ví dụ kỳ lạ, Dan Ariely đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới nơi sự phi lý trí ngự trị thường xuyên. Ông khảo sát toàn bộ yếu tố có khả năng tác động khiến con người không hành động theo lý trí của mình. Ông thậm chí còn chỉ ra rằng, ngay cả sự phi lý trí tưởng như vô tổ chức của chúng ta cũng “mang tính hệ thống và có thể dự đoán trước”.

 

Chúng ta đã và đang phi lý trí như thế nào?

 

Hầu hết mọi người không biết mình muốn gì trừ khi họ nhìn thấy nó trong một ngữ cảnh nào đó.

 

 

Khẳng định này được đúc kết từ những quan sát của chính Dan Ariely. Chúng ta không biết mình thích một thứ gì đó, cho đến khi nó được đặt cạnh một thứ tệ hơn. Thậm chí, chúng ta còn không biết phải làm gì với cuộc sống của chính mình cho đến khi nhìn thấy người khác làm chính xác cái mà ta nghĩ mình phải làm.

Điều này có xuất phát điểm là hiệu ứng vật “làm nền”, thứ mà rất nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ hay các quán ăn, v...v... sử dụng để dẫn dắt khách hàng một cách khéo léo.

Hiệu ứng vật “làm nền” là một trong những yếu tố dẫn đến những hành vi phi lý trí, và nó bắt nguồn từ tâm lý so sánh. Chúng ta luôn nhìn nhận những thứ xung quanh trong mối tương quan giữa các sự vật khác. Điều này không chỉ đúng với các vật hữu hình như: lò nướng bánh, xe đạp, các món ăn ở nhà hàng hay vị hôn phu của chúng ta, mà còn đúng với các trải nghiệm như kỳ nghỉ, những lựa chọn học hành, và cho cả những thứ vô hình như: tình cảm, thái độ và quan điểm.

Nhưng càng so sánh, càng cố gắng đạt được một điều gì, thì khi có được nó, thứ chúng ta cảm nhận được không phải là sự thỏa mãn mà là nhu cầu về một thứ tốt đẹp hơn thứ chúng ta vừa lựa chọn. Liều thuốc đặc trị duy nhất cho căn bệnh này là: phá vỡ sự so sánh.



Sự trì hoãn - căn bệnh nan y vì phi lý trí

Ngày mai mình sẽ…

Nghe quen không? Hẳn không ít người trong số mỗi chúng ta đã từng tự nhủ, tự nói với chính mình câu nói có khởi đầu như thế này, hoặc có nội dung tương tự. "Để mai tính" luôn là câu nói cửa miệng của những con nghiện trì hoãn.

Tại sao chúng ta thường xuyên thất bại trong cuộc chiến chống lại sự trì hoãn?

Trước tiên cần làm rõ, trì hoãn là gì? Khi chúng ta hứa sẽ tiết kiệm tiền hay tập thể dục và lưu ý tới chế độ ăn uống, lúc đó chúng ta đang trong trạng thái thoải mái. Nhưng rồi dòng nham thạch cảm xúc nóng bỏng trào đến: khi hứa tiết kiệm, chúng ta nhìn thấy một chiếc ô tô mới, một chiếc xe đạp leo núi hay một đôi giày chúng ta phải có. Ngay khi chúng ta lên kế hoạch tập thể dục thường xuyên, chúng ta lại tìm ra lý do để ngồi cả ngày trước màn hình vô tuyến… Từ bỏ các mục tiêu lâu dài vì sự thỏa mãn tức thời chính là sự trì hoãn.

Mỗi vấn đề chúng ta đối mặt đều có cơ chế tự kiểm soát tiềm năng. Về tài chính, nếu không thể tự tiết kiệm tiền, hãy nhờ mẹ, vợ, người yêu hoặc bất kì người thân nào đủ nghiêm khắc với bạn giữ hộ. Tốt nhất là mẹ, vợ hoặc người yêu; hai đối tượng này là những ngân hàng có thủ tục phức tạp và dài dòng nhất nếu muốn rút tiền. Thậm chí còn có khả năng rằng bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ rút nổi tiền đã gửi từ chỗ họ. Về sức khỏe, nếu không đủ kiên trì luyện tập một mình, hãy tìm một người đủ kiên nhẫn kèm cặp mình. Đây là các phương pháp tạo ra sự cam kết trước, giúp chúng ta trở thành con người mình mong muốn.



Sự miễn phí cũng có cái giá của riêng mình

“Miễn phí” là một từ có lực hấp dẫn tuyệt vời. Nếu phải so sánh, “miễn phí” chẳng khác gì một ngọn lửa đỏ rực, đẹp đẽ trong mắt những con thiêu thân. Trong cuộc sống này, “miễn phí” là lửa, còn chúng ta chính là những con thiêu thân không màng sống chết lao vào đó. “Miễn phí” là một trong những tác nhân khiến chúng ta đi chệch quỹ đạo mình định sẵn, và hành vi này không gì khác, chính là phi lý trí.

Tất nhiên, cái giá phải trả cho sự miễn phí không đến nỗi khiến chúng ta phải đánh đổi cả sinh mạng mình. Nhưng, đó cũng là một cái giá không hề rẻ và đặc biệt, là không thể vãn hồi. Đó là sự trải nghiệm.

Hãy thử tưởng tượng, trên đường đến nhà người bạn, bạn được người ta mời thử đồ ăn miễn phí, bạn nấn ná lại vài phút, có khi vài chục phút. Bạn của bạn sẽ phản ứng thế nào nếu bạn đến muộn? Và điều gì sẽ xảy ra, nếu ngày hôm ấy bạn của bạn đang có chuyện buồn và rất mong bạn tới sớm để cùng chia sẻ?

Cái giá của “miễn phí” là trải nghiệm, và đi kèm với trải nghiệm chính là thời gian. Bất kể bạn có một trải nghiệm vui vẻ, hay tồi tệ, thì cùng với trải nghiệm của mình, thời gian của bạn đã mất. Và dù bạn có thấy quãng thời gian ấy có ích hay không thì đó cũng là cái giá mà “miễn phí” đòi hỏi.

 

Trên đây chỉ là vài hành vi phi lý trí điển hình được nhắc tới trong cuốn sách. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu, phi lý trí không có nghĩa là bất lực. Một khi đã hiểu chúng ta sẽ dễ mắc sai lầm ở đâu và khi nào, chúng ta có thể có sự chuẩn bị trước để vượt qua nó. Và điều này, cũng chính là những gì Dan Ariely muốn nhắn nhủ tới độc giả. Hãy phi lý trí theo phong cách của riêng mình!

Tags: