Trí thông minh của người sống sót - Nguyên tắc chuột  lang thang của người Do Thái
Trí thông minh của người sống sót - Nguyên tắc chuột lang thang của người Do Thái
Nguyên tắc này được giải thích trong cuốn Trí tuệ Do Thái của tác giả Eran Katz như sau: Nếu muốn phát triển trí thông minh và thành đạt trong cuộc sống, bạn không bao giờ được cảm thấy hài lòng, thỏa mãn hay đạt đến độ thoải mái và đảm bảo về tài chính.
Trí Tuệ Do Thái (Tái Bản 2018)
(19 lượt)

Nguyên tắc chuột lang thang của người Do Thái được hình thành trong hoàn cảnh khắc nghiệt và khó khăn mà chính dân tộc Do Thái đã phải trải qua. Vào những năm 1800, hầu hết dân số trên thế giới đều sống ở các vùng nông thôn và lấy việc sở hữu đất đai làm thước đo danh dự, tự hào. Riêng người Do Thái lại bị chèn ép bởi những kẻ thống trị ngoại bang nên không có quyền sở hữu đất và họ đều sống túm tụm lại tại các thành phố. Nhưng nghịch lý là, chính những điều luật kìm nén người Do Thái đã biến họ thành thị dân, đặt nền tảng cho sự thành công của họ trong tương lai.

Dần dần trong chính sự chèn ép và bất công kể trên, người Do Thái đã hình thành cho mình Nguyên tắc của người sống sót hay Nguyên tắc chuột lang thang. Nguyên tắc này được giải thích trong cuốn Trí tuệ Do Thái của tác giả Eran Katz như sau: Nếu muốn phát triển trí thông minh và thành đạt trong cuộc sống, bạn không bao giờ được cảm thấy hài lòng, thỏa mãn hay đạt đến độ thoải mái và đảm bảo về tài chính. Con người ta cần làm việc và tiến bộ hàng ngày, nếu bạn cảm thấy thoải mái và thỏa mãn, bộ óc của bạn sẽ có dấu hiệu ngừng làm việc và cho rằng bạn đang chấp thuận với mọi việc vốn có. Là một dân tộc thiểu số, người Do Thái không cho phép mình được hài lòng với số phận khốn khổ, họ luôn phải đánh giá đúng vị thế và hiểu điểm mạnh của mình là gì trước khi phát triển một chiến lược hay hành động nào đó.

Giải thích cho nguyên tắc này, tác giả cuốn sách đã chỉ ra rằng những con chuột "lang thang" thường xuyên gặp được môi trường "béo bở", những tác nhân kích thích luôn thay đổi - đồ chơi, vật gây tiếng động, ánh sáng, các loại mùi... khiến chúng có phản ứng nhanh nhạy và vượt trội hơn. Thực tế đã có thí nghiệm được thực hiện trên những con chuột thường xuyên di chuyển nhiều nơi cho thấy rằng vỏ não của chúng dày và đầy hơn, hàm lượng một số loại enzyme cũng cao hơn những con chuột chỉ sống trong lồng hoặc một nơi cố định mà không có kích thích.

Chung quy lại, con người cũng có những trải nghiệm tương tự. Di chuyển đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người khác nhau trong xã hội, trải nghiệm những nền văn minh khác nhau sẽ giúp cho bạn cảm nhận được những điều thú vị hơn, kích thích óc quan sát, sự sáng tạo và trí thông minh trong chính con người bạn. Và người Do Thái đã vận dụng thành công chính những khó khăn trong môi trường sống để làm đòn bẩy cho sự phát triển trí tuệ của cả một dân tộc. Hãy tiếp tục lang thang, cả về thể xác và tinh thần, để trải nghiệm những điều mới mẻ!

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
Tags: