Viết về đền ơn đáp nghĩa phải như một thứ đạo
Viết về đền ơn đáp nghĩa phải như một thứ đạo
Nội dung tọa đàm là bước tiếp theo của cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ trong 3 năm để tìm kiếm tác phẩm đạt chất lượng chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 – 2024).

Từ góc nhìn của người lính đối với các cuộc kháng chiến giành độc lập của Việt Nam, nhà báo Trần Thế Tuyển – chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM – khẳng định rằng “viết về những anh hùng, thương binh, liệt sĩ là lương tâm và trách nhiệm của những người cầm bút chúng ta”

Nhà văn Bùi Anh Tấn đề xuất nên phối hợp với quân đội để khai thác các đề tài – Ảnh: L.ĐIỀN

Chia sẻ ý kiến này, nhà văn Bích Ngân – chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM – cho rằng viết về đề tài đền ơn đáp nghĩa “không chỉ là đạo lý, mà còn là giá trị tinh thần của dân tộc”. Nhà văn Trầm Hương còn ví von rằng viết về thương binh liệt sĩ “như là một thứ đạo”, có khi phải đi năm lần bảy lượt để tìm cho được sự thật.

Nói riêng trong cuộc vận động này, độ mở của đề tài cũng là điều đáng chú ý. Ông Trần Thế Tuyển cho rằng: “Chủ đề đền ơn đáp nghĩa không khu biệt trong lĩnh vực khắc họa những tấm gương cao quý hy sinh vì dân vì nước mà bao gồm cả những tấm lòng, những việc làm nghĩa tình của toàn xã hội nhằm tri ân và hỗ trợ gia đình liệt sĩ”.

Trở lại với cuộc vận động viết đang diễn ra, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc lưu ý công việc viết về thương binh liệt sĩ đòi hỏi phải bỏ thời gian làm công tác tư liệu cho thật kỹ. “Có khi mất cả năm mới viết được 1 bài ký”, ông chia sẻ. Dù vậy, ông Nguyễn Minh Ngọc khẳng định rằng một khi viết về đề tài này thì “không thể vì lý do gì mà viết không kỹ, thậm chí có lỗi với các linh hồn liệt sĩ”.

Nhà văn Bùi Anh Tấn – tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ TP.HCM – cho rằng có thể phối hợp với quân đội, cụ thể là Quân khu 7, để tìm hiểu truyền thống các đơn vị, nắm bắt các nhân vật… để có chất liệu viết. Đề xuất này được nhà văn Nguyễn Minh Ngọc tán thành. Ông cho rằng nên tổ chức vài chuyến đi thực tế, kết nối với các chiến trường, “vì người viết hôm nay trưởng thành sau chiến tranh, không hình dung về chiến trường chính xác, viết sẽ không ra chất anh hùng hay chất gian khổ trong chiến tranh”.

Tọa đàm “Viết về đề tài đền ơn đáp nghĩa” vừa được Hội Nhà văn TP.HCM, tạp chí Văn Nghệ TP.HCM và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM tổ chức vào sáng 11-3 gợi lên nhiều ý tưởng về mảng đề tài thương binh liệt sĩ cho nhiều cây bút.

 

Theo báo Tuổi trẻ

Tags: